Các loại máy khuấy thông dụng mà chúng ta thường thấy, thường là loại có thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, dùng cho việc khuấy trộn sơn, dung môi, hóa chất (dạng cầm tay, trong phòng thí nghiệm hoặc ngoài trời với công suất vừa và nhỏ), cho nên việc sử dụng là tương đối dễ dàng. Và cũng chính bởi thế mà chúng ta chủ quan trong việc yêu cầu hỗ trợ, lắp đặt, tư vấn, hướng dẫn sử dụng máy khuấy từ chuyên gia và đội ngũ kỹ thuật.
Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra rằng, hầu hết chúng ta chưa biết sử dụng máy khuấy đúng cách, để mang lại hiệu quả khuấy trộn tối đa cho cùng một công suất máy xác định.
Hôm nay, tôi xin chia sẻ một chút về vấn đề này (bài viết đã cố gắng viết theo lối đơn giản để ngay cả những bạn không hiểu về kỹ thuật đều có thể dễ dàng nắm bắt được. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn những băn khoăn và cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ để được giải đáp nhé.
Để việc khuấy trộn dung dịch được đồng đều, có một cách rất dễ dàng mà ít người chú ý đến, đó là việc sử dụng vách ngăn cho thành bồn khuấy (bể khuấy).
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu vách ngăn là gì?
Vách ngăn (hay Baffle) là tấm được gắn vào thành bồn khuấy. Tùy theo kích thước bồn khuấy mà số vách ngăn được sử dụng có thể từ 2 đến 6 tấm.
Nếu gắn máy khuấy ở giữa bể khuấy mà không gắn tấm vách ngăn thì dòng lưu chuyển sẽ quay vòng tròn theo thành bồn khuấy (quay cùng chiều kim đồng hồ - tạo dòng lưu chuyển chất lỏng đi xuống), giống như hình minh họa bên trái dưới đây. Cái này gọi là quay cùng chiều nên không thể thực hiện khuấy trên dưới được.
Do vậy, khi muốn khuấy để thành hỗn hợp, đồng nhất thì cần tăng cường thêm dòng lưu chuyển trên dưới, khi đó hiệu quả khuấy sẽ được nâng cao lên rất nhiều. Có thể nói đây là thiết bị rất cần thiết cho việc khuấy trộn.
Thực tế, loại nào có thể khuấy tốt hơn?
Trong thực tế, nếu nhìn từ phía trên bồn khuấy xuống thì khi khuấy không có gắn tấm vách ngăn, nhìn mặt nước rung chuyển dữ dội hơn, nên cho cảm giác giống như là chất lỏng đang được khuấy trộn mạnh mẽ. Cho nên có nhiều khách hàng đã hiểu nhầm rằng việc khuấy trộn dung dịch khi không gắn vách ngăn sẽ cho hiệu quả khuấy trộn cao hơn.
Tuy nhiên, chúng tôi đã làm một thử nghiệm nhỏ, giữa việc khuấy trộn dung dịch không có vách ngăn và có vách ngăn. Chúng tôi đã bỏ vào trong nước một ít vật thể nổi và thực hiện việc khuấy trộn giữa 2 bồn khuấy - một có vách ngăn và một không có vách ngăn. Kết quả thu được đã khẳng định: Với bể khuấy không có vách ngăn, khi thực hiện việc khuấy trộn sẽ tạo ra dòng xoáy mạnh mẽ nên nhìn bằng mắt thường có vẻ khuấy rất tốt. Ngược lại, khi gắn tấm vách ngăn thì nhìn dòng lưu chuyển có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng khi nhìn kỹ sẽ thấy các vật thể nổi trong nước (ở bồn có tấm vách ngăn) được phân tán và lưu chuyển đều hơn trong dung dịch (khuấy đảo đều lên trên xuống dưới), trong khi bồn không có vách ngăn, chỉ có dòng xoáy nước lớn, và vật thể nổi lắng cặn ở đáy bồn khuấy tương đối nhiều. Điều đó cho thấy, việc có tấm vách ngăn sẽ làm chất lỏng trong bồn được khuấy đều trên dưới, hiệu quả hơn hẳn việc không dùng vách ngăn.
Trường hợp không thể gắn tấm vách ngăn thì sao?
Nếu vì một lý do nào đó không thể gắn tấm vách ngăn vào bồn khuấy đang có thì chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật khuấy "Lệch tâm". Chỉ cần lắp máy khuấy hơi lệch tâm bồn khuấy so với cách lắp thông thường một chút là có thể tạo ra dòng chảy rối, từ đó có thể cải thiện hiệu quả khuấy trộn hiện thời.
Chỉ một thao tác đơn giản, không chỉ tăng hiệu quả khuấy trộn của máy khuấy hóa chất, bạn còn có thể tiết kiệm được chi phí lắp đặt tấm vách ngăn cũng như thời gian cho việc máy ngừng hoạt động.